Do thường phải bận rộn rất nhiều việc hằng ngày, nên các mẹ luôn phải trữ sẵn thức ăn dặm cho bé trong tủ lạnh. Tuy nhiên, khi dùng phương pháp trữ đông để bảo quản, các mẹ phải hết sức chú ý khi rã đông thức ăn dặm, để giữ cho thức ăn không bị mất chất dinh dưỡng và vệ sinh an toàn, đảm bảo sức khỏe cho bé! Luôn tuân thủ các “nguyên tắc vàng” khi rã đông Tuyệt đối không được rã đông thức ăn dặm trong nhiệt độ phòng, đặc biệt khi thời tiết nóng ẩm. Lúc này, nhiệt độ cao sẽ khiến vi khuẩn dễ sản sinh, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cho các loại thực phẩm như thịt heo, gà, cá, và các loại hải sản… Các mẹ chú ý khi thức ăn dặm đã rã đông qua rồi thì không cấp đông lại thêm lần nào nữa. Vì lúc này khả năng gây nhiễm khuẩn càng cao hơn, mùi vị thơm ngon của thức ăn cũng giảm đi nhiều. Bên cạnh đó, lúc này chất dinh dưỡng đã mất dần do các quá trình oxy hóa. Ngoài ra, thời hạn trữ đông thức ăn dặm cũng là vấn đề các mẹ phải đặc biệt chú ý. Tốt nhất mẹ nên kiểm tra định kỳ thức ăn hàng tháng, thậm chí kỹ hơn là hàng tuần. Đối với các loại rau củ quả, nếu thời gian trữ đông đã quá 8 tháng thì không được cho bé dùng nữa, còn các loại thịt như lợn, bò, gà thì không nên trữ đông quá 2 tháng. Để an tâm nhất, trước khi cho bé ăn mẹ vẫn nên trực tiếp kiểm tra kỹ càng bằng mọi giác quan. Luôn quan sát bề mặt thức ăn dặm của con xem có bị đổi màu hay biến dạng hay không; ngửi thử xem có mùi hôi bất thường không; ngoài ra, còn phải sờ thử xem có bị nhớt không; thậm chí để chắc ăn hơn nữa mẹ có thể nếm thử để đảm bảo thức ăn không có mùi vị lạ nào khác. Các hình thức rã đông thức ăn dặm Có thể chọn một trong cách sau đây để rã đông thức ăn dặm cho bé: 1. Lò vi sóng Thời gian rã đông khoảng 1~2 phút, thời gian càng ngắn thì tỷ lệ bị mất chất càng thấp. Sau khi rã đông phải chế biến ngay. 2. Nồi cơm điện Thời gian rã đông khoảng 3~4 phút, khi rã đông thêm 1/3 cốc (múc gạo) nước vào nồi ngoài. 3. Nấu cách thủy Thời gian rã đông khoảng 8~10 phút. Mẹ có thể nấu nước bằng bếp gas bằng cách đặt chén thức ăn dặm vào nấu cách thủy, sau khi nước sôi thì để thêm 1~3 phút sau tắt lửa. 4. Ngăn mát tủ lạnh Đối với thịt sống: để xuống ngăn mát tủ lạnh để thực phẩm rã đông từ từ (cứ 500g thịt thì cần 24 tiếng để rã đông hoàn toàn). Đối với thực phẩm là thịt đã được nấu chín sau khi nghiền nhuyễn và đóng viên đá: Thời gian cần để rã đông cá là 6-8 tiếng, thịt cua là 10-12 tiếng, tôm là 8 tiếng, thịt lợn/bò/gà là 8-10 tiếng. Lưu ý: Nên chế biến ngay sau khi rã đông. Với các loại trái cây như bơ, táo, chuối, thanh long, kiwi, dưa hấu, lê… dạng nghiền nát và được đóng thành viên đá: mẹ có thể rã đông bằng cách để xuống ngăn mát tủ lạnh khoảng 6-8 tiếng. Với các loại quả mọng nước như sơ-ri, dâu tây, nho…dạng nghiền nát và đóng thành viên đá: mẹ có thể cho chúng xuống ngăn mát tủ lạnh khoảng 6-7 tiếng để rã đông hoàn toàn. Có rất nhiều cách để rã đông thức ăn dặm cho bé, tuy nhiên cho dù mẹ áp dụng cách nào đi chăng nữa thì sau khi rã đông nên khuấy đều thức ăn, để tránh độ nóng không đồng đều sẽ gây bỏng cho bé. Quá trình cấp đông để bảo quản thức ăn dặm của bé vốn đã rất cầu kỳ phức tạp, mà hình thức rã đông có vẻ cũng rắc rối không kém các mẹ nhỉ? Nhưng vì sức khỏe của con yêu thì các Mami nào có thấy phiền hà gì đâu. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các Mami xinh đẹp trong quá trình cho bé ăn dặm nhé!