Mẹ hoàn toàn có thể mang thai mà không chuẩn bị bất cứ điều gì cả. Tuy nhiên, nếu mẹ lên kế hoạch cho việc mang thai của mình được thì thời gian “bầu bí” của mẹ sẽ thuận lợi và dễ chịu hơn rất nhiều đầy nhé! Trước khi mang thai, mẹ nên cùng bố lên kế hoạch cho 3 vấn đề chính để giúp cho mẹ thụ thai dễ dàng hơn cũng như mẹ và bé khỏe trong quãng thời gian 9 tháng 10 ngày. Các vấn đề này bao gồm vấn đề thể chất, tâm lý và tài chính. 1. Các vấn đề thể chất - Bố mẹ cần sẵn sàng về mặt sức khỏe: Việc thụ thai không phải là chuyện của riêng mình mẹ. Bố là đối tác quan trọng trong việc “cung cấp nguyên liệu” cho mẹ để cùng tạo thành em bé. Bố mẹ cần xem xét lại lối sống của mình đã lành mạnh hay chưa? Bố mẹ có sử dụng chất kích thích nào không? Hay bố mẹ có nghiện cà phê hay hút thuốc chẳng hạn? Nếu có, bố mẹ nên điều chỉnh lại để có sức khỏe tốt trước khi bắt đầu “tạo em bé”. - Kiểm tra sức khỏe toàn diện: Bố mẹ cảm thấy bản thân khỏe không thôi là chưa đủ đâu. Để đảm bảo nhất cho quá trình mang thai của mẹ sau này, bố mẹ nên kiểm tra sức khỏe tổng quát nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng. Bác sĩ sẽ cần thông tin qua một vài xét nghiệm như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, tinh dịch đồ … để rõ hơn về tình trạng sức khỏe của bố mẹ. Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin về các căn bệnh tiền sử của bản thân và gia đình, các vấn đề về biện pháp phòng tránh thai hay các bệnh phụ khoa, những lần nạo hút thai hay sẩy thai của mẹ trước đây cũng sẽ giúp bác sĩ có thể tư vấn cụ thể, hỗ trợ bố mẹ kịp thời trong thời gian mang thai. - Thay đổi chế độ ăn uống: Trước khi mang thai khoảng 3 tháng, mẹ nên bổ sung các loại thực phẩm có chứa nhiều axit folic như bông cải xanh, rau lá xanh, ngũ cốc … để ngăn ngừa dị tật về ống thần kinh. Chế độ ăn này nên tiếp tục đến 3 tháng đầu sau khi mẹ đã “đậu” thai. Đối với bố, chế độ ăn bổ sung các thực phẩm chứa kẽm và selen cũng hỗ trợ tốt cho việc tăng chất lượng cũng như số lượng tinh trùng. Từ đó, xác suất thụ thai cũng sẽ cao hơn. 2. Vấn đề về tâm lý Đây là một trong những điều thường bị bố mẹ bỏ quên trong việc chuẩn bị cho quá trình mang thai. Có con là một trong những thay đổi lớn lao nhất đối với một gia đình. Bản thân mẹ có thể thấy hoang mang tại sao mình lại yếu đuối đến thế khi mang thai. Còn bố thì không tránh khỏi những khi bực bội vì thấy vợ mình quá khó chiều. Bố mẹ hãy cùng nhau tìm hiểu những thay đổi về mặt tâm lý có thể diễn ra khi mẹ có bầu, từ đó bố mẹ sẽ hiểu và thông cảm cho nhau nhiều hơn. Bên cạnh đó, trong quá trình mang thai, bố mẹ cũng cần bàn bạc với nhau về vai trò cũng như phương pháp nuôi dạy con sau này. Sự bất đồng về mặt quan điểm chính là nguồn gốc của những căng thẳng tâm lý không đáng có trong quá mang thai, sinh con và nuôi con. 3. Các vấn đề tài chính Đã qua rồi cái thời “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, nuôi con bây giờ, vấn đề đầu tiên là tiền đâu. Nếu như bố mẹ có thời gian chuẩn bị về mặt sức khỏe, tâm lý thì đừng quên chuẩn bị vấn đề tài chính. Chúng ta cần đặt một bài toán nhỏ như sau: Thời gian mang thai, mẹ sẽ cần bồi bổ cho cả mẹ và bé, cần đi khám thai định kì và cần chuẩn bị mua sắm đồ cho thiên thần nhỏ nữa. Khi sinh xong, mẹ sẽ bị gián đoạn công việc một thời gian, trong khi chi phí cho bé như bỉm, sữa, quần áo … đều là những khoản không thể cắt giảm. Chính vì thế, bố mẹ cần tính toán được thu nhập hàng tháng của mình là bao nhiêu, chi tiêu cho bé chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng thu nhập của bố mẹ. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần chuẩn bị một khoản tích lũy đề phòng trường hợp bất thường như bé có thể bị ốm chẳng hạn. Đặc biệt đối với mẹ, mẹ hãy kiểm tra xem công ty có đóng bảo hiểm đầy đủ cho mẹ không, mức bảo hiểm mẹ đang được đóng là bao nhiêu? Tiền bảo hiểm thai sản cũng hỗ trợ bố mẹ được một khoản không nhỏ sau khi sinh bé đấy! Nếu như bố mẹ tự tin đã có đáp án cho tất cả các vấn đề ở trên rồi thì còn chần chừ gì mà không “đúc” ngay một (hoặc biết đâu đây là một vài) thiên thần đáng yêu nhỉ? Chúc bố mẹ có hành trang hoàn hảo trước khi bắt đầu thụ thai nhé!