Có nhiều mẹ bỉm sau khi sinh con mới nhận ra được nhiều điều, ồ hóa ra hồi có bầu mình làm cái này, làm cái kia, không nên làm cái này cái kia thì đã tốt hơn rồi! Những điều hối hận nhất của các mẹ khi mang thai là gì? Nếu đang bầu bí, các mẹ nhất định không thể bỏ qua bài viết này để không phải đi qua “vết xe đổ” của các tiền bối nhé! 1. Chưa tìm hiểu hết những kiến thức quan trọng Trong quá trình mang thai, ắt hẳn sẽ có vô số kiến thức mới lạ mà các mẹ bầu phải tìm hiểu, lưu tâm, lưu ý, thậm chí có thể so sánh như “bơi trong một bể kiến thức”. Chính vì thế, sẽ có không ít trường hợp mà một vài kiến thức quan trọng lại bị mẹ bỏ sót, hoặc vô tình bỏ qua. Chỉ đến khi sinh con xong, đối mặt với tình huống cụ thể, nhiều mẹ mới vỡ lẽ, tiếc nuối rằng mình đã không tìm hiểu kỹ càng hơn những kiến thức quan trọng đó, bởi rõ ràng, nếu biết trước, có lẽ con mình đã được phát triển toàn diện hơn, hoặc bản thân mình được khỏe mạnh hơn… Vì vậy, theo chia sẻ của Mami Thu Ốc, các mẹ bầu nên tìm hiểu thêm về các kiến thức sau sinh và chăm sóc trẻ sơ sinh như: - Tiếp xúc da sau sinh - Sữa non cho con (dù sữa chưa về thì cho con ti mẹ càng sớm càng tốt sẽ kích thích sữa về nhanh hơn, không nên đợi sữa về rồi mới cho con bú) - Cách giúp con ngủ ngon - Bế con đúng tư thế: Làm mẹ là bản năng nhưng chúng ta lần đầu cần thời gian thích ứng nhưng nhiều khi môi trường sẽ không cho ta thời gian, các mẹ tìm hiểu càng kỹ càng tốt nhé! Ngoài ra, các mẹ có thể thường xuyên vào mục Bài viết của website MamiBuy để tích lũy thêm thật nhiều kiến thức bổ ích từ quá trình mang bầu cho tới lúc sinh con, chăm con; hoặc vào mục Diễn đàn của MamiBuy để lắng nghe những chia sẻ, kinh nghiệm quý báu của các mẹ đi trước nhé! 2. Tâm trạng không tốt Chia sẻ với MamiBuy về “những điều hối hận nhất khi mang thai”, Mami Mẹ Bé Phương đã tâm sự rất thấm thía: “Khi mang thai bé Bông, mình thường hay giận dỗi với ba bé, hay suy nghĩ rồi buồn tủi một mình; làm nhiều lúc sức khỏe của 2 mẹ con bị ảnh hưởng. (…) Mình rất ân hận và muốn nhắn nhủ đến những bà mẹ khác rằng đừng quá bi quan suy nghĩ tiêu cực làm gì.” Quả thực, khi mang thai, tâm trạng các mẹ bầu nhạy cảm hơn rất nhiều. Theo các nhà nghiên cứu, tâm trạng của mẹ trong và sau khi sinh có mối quan hệ chặt chẽ đến sự phát triển của bé sau này. Khi mẹ bầu có tinh thần thoải mái, chức năng của các cơ quan trong cơ thể đều ở trạng thái tốt, sức khoẻ và dinh dưỡng đảm bảo có lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của thai nhi. Còn nếu mẹ bầu bị stress, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kì, thì nguy cơ bị sẩy thai, lưu thai cao hơn 3 - 4 lần, ảnh hưởng đến sự phát triển hành vi, thần kinh của thai nhi, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và dị ứng ở trẻ. Ngoài ra, tỷ lệ trẻ em bị rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi và thói quen… cũng tăng cao ở các bà mẹ bị stress kéo dài trong thai kì. Do đó, các mẹ bầu hãy thật cố gắng giữ vững tâm lý, sống lạc quan, thường xuyên chia sẻ nỗi niềm với chồng/bạn bè/người thân, suy nghĩ tích cực về mọi việc để con trong bụng cũng vui vẻ theo nhé! 3. Không đi ngủ sớm Mami Megauca chia sẻ: “Điều mình hối hận nhất khi bầu là hay thức khuya. Sáng dậy rất mệt mỏi, ảnh hưởng cả 2 mẹ con.” Ý kiến này cũng nhận được sự công nhận của nhiều mẹ bầu khác khi nói về “những điều hối hận nhất khi mang thai”. Tại sao mẹ bầu không nên thức khuya? Theo các bác sỹ, việc mẹ bầu thức khuya có thể gây ảnh hưởng xấu đến con như: - Con sinh ra bị thiếu máu: Khoảng thời gian từ 23h đến 3h sáng là thời gian thuận lợi cho sự tạo máu trong cơ thể. Nếu mẹ bầu ngủ muộn thì vô tình sẽ làm lãng phí đi quá trình tạo máu tự nhiên và điều này không tốt với sức khỏe của thai nhi trong bụng. - Con sinh ra bị chậm phát triển: Thông thường, thức khuya sẽ phá vỡ nhịp điệu đồng hồ sinh học, gây rối loạn hormone tăng trưởng thùy trước tuyến yên, do đó ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến việc kìm hãm tăng trưởng. - Con sinh ra hay quấy khóc: Khi thai phụ thức đêm, nhịp đồng hồ sinh học của trẻ cũng thay đổi theo người mẹ và trở thành thói quen. Mẹ thiếu ngủ, mệt mỏi nên cũng sẽ ảnh hưởng tới đứa trẻ trong bụng. Trẻ sinh ra luôn tức giận, hay khóc và thường tỏ ra khó chịu. Rất có thể tính cách con như vậy chính là do ảnh hưởng từ thói quen ngủ muộn của mẹ. 4. Không uống đủ nước Nếu chưa biết tại sao cần uống đủ nước khi mang bầu, hãy lắng nghe chia sẻ của Mami Nguyễn Mai: “Chào cả nhà! Con gái mình giờ đc 9 tháng rồi. Lúc đầu mang bầu bé mình lười uống nước lắm. Thế rồi lúc được 38 tuần, đi siêu âm bác sĩ nói thai có 34 tuần. Bác sĩ kêu là thiếu nước ối và thai bị thiếu cân nên mới bị lệch tuần như thế. Lúc đấy mình lo lắm rồi, mình về ăn thật nhiều, uống thật nhiều nước và ngày nào cũng uống hết 1 quả dừa. Sau đấy hơn 2 tuần sau mình sinh bé, may là bé nhà mình cũng đc 2.7kg.” Trong quá trình thai nghén, cơ thể mẹ bầu cần nhiều nước hơn để đáp ứng nhu cầu đang thay đổi từng ngày của cơ thể. Trung bình, mỗi mẹ bầu cần uống từ 8 - 10 cốc nước mỗi ngày. Cách tốt nhất để biết cơ thể có bị thiếu nước không là xem nước tiểu. Nếu nước tiểu đậm màu thì mẹ cần uống nhiều nước hơn. Nếu nước tiểu có màu vàng nhạt là cơ thể đủ nước. Một số chị em còn nhận thấy rằng uống nước thường xuyên còn giảm thiểu được tình trạng ốm nghén, ợ nóng và khó tiêu. Nó còn duy trì thân nhiệt, làm mát cơ thể, ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm niệu đạo - một hiện tượng rất phổ biến khi có thai. 5. Chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý Chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý là một trong những nguyên nhân cơ bản của việc sinh con ra bị thấp bé, nhẹ cân. Mami Lại Hà đã chia sẻ trải nghiệm của mình một cách đầy hối tiếc: “Cho đến bây giờ, khi con gái lớn đã gần 10 tuổi rồi, mình vẫn thấy có lỗi với con nhiều lắm. Ngày có bầu con, do mới về nhà chồng, lại xa nhà ngoại (150km), khi biết tin mình có em bé cả gia đình nội ngoại đều rất vui mừng. Nhưng vì tính mình hay ngại, với lại chồng mình không được tâm lý, mình đã ăn rất ít, không uống đủ các vi chất để bổ sung cho thai nhi, lại cộng thêm nghén cho tới lúc sinh nữa. Đến lúc sinh con ra được có hơn 2kg, con bị thiếu máu, thiếu sắt... Trong lòng mình vô cùng xót xa, hối hận, bằng nhiều cách bù lại cho con nhưng đến giờ con vẫn thấp còi hơn các bạn cùng lớp.” Dinh dưỡng đóng vai trò quyết định đến sức khỏe của bà mẹ và sự phát triển của thai nhi. Trong suốt thai kỳ, việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ hợp lý giúp thai nhi không chỉ phát triển khỏe mạnh mà còn giúp trẻ phát triển trí não ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Trong suốt quá trình mang thai, mẹ bầu cần bổ sung 4 nhóm chính bao gồm: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, ở từng tam cá nguyệt, chế độ dinh dưỡng cho các mẹ bầu cũng sẽ có những điểm khác nhau. Các mẹ đừng quên tìm hiểu thật kỹ càng để bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho cả mẹ cả con nhé! 6. Ăn đồ gây dị ứng Có lẽ không nhiều mẹ bầu biết rằng dị ứng thực phẩm gây ra những tác hại nghiêm trọng như thế nào. Nó có thể khiến mẹ bị sẩy thai, sinh non, gây dị dạng thai nhi cũng như tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ khi ra đời. Sự nhạy cảm của cơ thể mẹ bầu trong thai kỳ khiến cho việc dị ứng thực phẩm dễ xảy ra hơn so với bình thường. Các triệu chứng dị ứng có thể lây nhiễm từ mẹ sang con qua nhau thai. Các nghiên cứu cho thấy, có khoảng 50% thực phẩm có thể gây ra chứng dị ứng ở con người. Tuy nhiên, một số trong số chúng thì gây ra dị ứng hiện rõ ra bên ngoài, một số khác thì chỉ gây ra những dị ứng ngấm ngầm bên trong. Ăn đồ gây dị ứng là một việc mà Mami Chăn Vịt cảm thấy hối hận nhất khi mang thai: “Giờ đây mỗi lần nhìn vào vết chàm ở vai của con là mình lại hối hận lắm. Ngày trước mình bị dị ứng với tôm cua. Thế rồi lúc mang bầu chồng mình bảo là có mang như là thay máu í, hay là em cứ ăn thử đi biết đâu lại không bị dị ứng nữa. Thế mình cũng nghe lời, mình thử ăn, ôi lạ thay không bị làm sao hết. Mình vui sướng quá mình suốt ngày rủ chồng đi ăn bún riêu cua mỗi buổi sáng. Rồi lại đọc thêm tài liệu thấy canxi trong cua nhiều hơn trong sữa bầu nhiều thế là mình càng tích cực ăn hơn. Đến lúc sinh em bé ra mình ngạc nhiên là bạn í có vết chàm to tướng ở vai kéo xuống ngực, mình bảo là ơ sao hai vợ chồng mình ko có vết chàm mà con lại có là sao nhỉ. Chẳng thể nào giải thích được, thế là mặc định xem nó là tự nhiên. Thế rồi một hôm đi học lớp dinh dưỡng mình mới té ngửa ra là vết chàm kia là do mẹ lúc bầu bí ăn những đồ dị ứng. Thức ăn không dị ứng vào mẹ nhưng dị ứng vào con thành vết chàm. Hị hị, lúc í thì đã không chữa được nữa rồi. Các mẹ bầu ơi đừng như mình nhé, nhớ lúc bầu bí đừng ăn những đồ mình bị dị ứng nhé!” 7. Không làm đẹp và đầu tư cho bản thân Làm đẹp là một nhu cầu của mỗi người phụ nữ, kể cả trong giai đoạn mang thai. Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu vì ngại ngùng, mặc cảm, tự ti, hoặc sợ tốn tiền, tốn thời gian, sợ ảnh hưởng con… mà hạn chế hoặc bỏ qua hẳn nhu cầu chăm sóc sắc đẹp của bản thân. Đây là một quan niệm sai lầm mà hầu hết các mẹ mãi sau này sinh con xong rồi mới càng thấm thía. Mami Trần Thị Thanh Tuyền chia sẻ với MamiBuy: “Lần đầu mang bầu, mình mang bầu đôi. Cả 2 vợ chồng đều là công chức nên chỉ đẻ được 1 lần. Thấy các mom khác đi làm diện đồ bầu đẹp mình thích lắm nhưng chồng mình bảo: “Em có được sinh nữa đâu mà mua đồ bầu, mua về mặc có 1 lần bỏ tiếc lắm, để dành tiền mà ăn uống để mẹ con cùng khỏe”. Vậy nên lúc thai nhỏ, mình tận dụng những bộ đồ rộng, ở nhà mặc đồ ké chồng, thai lớn được các chị ở cơ quan cho mấy bộ cũng mặc được. Nhưng rồi lại vỡ kế hoạch, mang bầu lần 2 cũng giai điệu đó lặp lại. Mình thậm chí không dám xuất hiện trước đám đông. Đó là điều mà mình thấy tủi và hối hận nhất. Vì là phụ nữ ai cũng có nhu cầu làm đẹp, mà có bầu càng cần hơn.” Trên thực tế, việc mẹ bầu ăn diện một chút, chăm chút cho bản thân một chút sẽ khiến cho tâm trạng vui vẻ, thoải mái hơn nhiều. Mẹ chỉ cần chú ý chọn các sản phẩm thiên nhiên an toàn cho thai nhi thì không có vấn đề gì cả. Quan trọng là tâm trạng mẹ vui thì con trong bụng mới phát triển tốt nhất! Rõ ràng, mang thai là một trải nghiệm thiêng liêng. Các mẹ hãy chuẩn bị cho mình hành trang kiến thức và tâm lý vững vàng nhất để không phải hối hận bất cứ điều gì nhé!