Trẻ con nghịch ngợm hiếu động thường không lường được những nguy hiểm xung quanh mình. Nhiều khi bố mẹ chỉ không để ý mấy phút thôi là bé đã kịp cho dây điện vào miệng nhai, hoặc nhét thứ gì đó bằng kim loại (chìa khóa, tuốc nơ vít…) vào ổ điện rồi. Điện giật có thể gây tổn thương nhiều mức độ bởi những yếu tố như điện thế, cường độ, điện trở, điện sinh hoạt hay cao thế, thời gian tiếp xúc, chấn thương đi kèm khi bị ngã hoặc bị bỏng… Khi tai nạn xảy ra, bố mẹ cần khẩn trương thực hiện ngay những bước sơ cứu để giúp con thoát khỏi nguy hiểm. Trước khi bắt đầu, bố mẹ lưu ý cố gắng bình tĩnh nhất có thể, tránh hoảng loạn, và lập tức hô hoán gọi mọi người xung quanh tới giúp đỡ Bước 1: Ngắt ngay nguồn điện và tách bé ra khỏi nguồn điện Tắt công tắc, ngắt cầu dao điện, hoặc rút phích cắm điện. Nếu bạn không với tới được công tắc hay cầu dao, thì phải dùng cán chổi, khúc cây hay đồ vật khác (làm bằng chất liệu cách điện) đẩy tay chân bé ra khỏi nguồn điện, gạt dây điện ra xa. Có thể dùng kìm cắt ngay dây điện nếu như không biết cầu dao điện ở đâu. Lưu ý: tuyệt đối không trực tiếp chạm vào người bé khi chưa ngắt được nguồn điện. Bố mẹ cần mang găng tay cao su, hoặc quấn tay vào túi nylon hay vải khô, đi dép và đứng ở nơi khô ráo khi ngắt nguồn điện. Bước 2: Sơ cứu sau khi ngắt nguồn điện: Nếu bé còn tỉnh, hãy an ủi dỗ dành để bé yên tâm. Nếu bé đã bất tỉnh, cần kiểm tra nhịp thở, mạch đập. Ngoài tổn thương bỏng tại chỗ tiếp xúc, dòng điện còn có thể đi qua tim phổi, gây ngưng thở, tim ngưng đập. Lúc này bố mẹ cần hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực. - Đặt con trên nền cứng (mặt đất, tấm ván…), nới lỏng quần áo và các vật dùng chằng buộc trên người có thể làm cản trở hô hấp. Vỗ mạnh 3-5 cái lên vùng ngực trẻ. - Quỳ hoặc đứng bên trái, ngang đầu bé. Bàn tay trái đặt sau gáy, nâng nhẹ cổ và banh miệng. Bàn tay phải đặt ở trán để ngửa đầu con ra sau, ngón cái và ngón trỏ bịt mũi bé. - Ngẩng đầu hít một hơi thật sâu. Cúi đầu, áp miệng mình vào sát miệng bé sao cho không có kẽ hở, đồng thời mắt quan sát ngực bé. Dùng sức hà hơi trong phổi mình vào miệng bé cho tới khi ngực bé nhô lên. Sau đó ngẩng đầu hít hơi tiếp theo và lặp lại. Thổi nhanh 5 lần liên tiếp. - Những lần sau, cứ hà hơi 1 lần lại ép tim 5 lần. Lưu ý: Tránh thổi quá mạnh, có thể gây vỡ phổi bé. Bước 3: Hỗ trợ bác sĩ xử lý các vấn đề khác Nếu bé bị bỏng, không nên chườm đá, bôi thuốc mỡ hay bất cứ thứ gì lên vết bỏng, mà cần đưa con đi cấp cứu ngay. Bác sĩ sẽ làm sạch và băng vết thương cho bé, đồng thời kiểm tra những tổn thương bên trong. Nếu con bị đau, trước khi dùng bất cứ loại thuốc giảm đau nào (thường là Paracetamol hoặc Ibuprofen) cần phải hỏi ý kiến bác sĩ. Nếu bác sĩ chẩn đoán có tổn thương ở các cơ quan bên trong, con sẽ được tiến hành một số xét nghiệm. Trường hợp bỏng nặng, bé sẽ phải nằm viện điều trị. Mời bố mẹ tham khảo thêm video hướng dẫn sơ cứu người bị điện giật của Đài PTTH Hà Nội nhé Phòng ngừa tai nạn điện giật trong nhà: Che giấu các ổ điện khỏi tầm mắt bé: Dùng miếng bịt ổ điện, băng dính điện, hoặc kê các đồ đạc lớn nặng che bên ngoài các ổ cắm. Thường xuyên kiểm tra và thay thế các dây điện đã bị sờn hỏng, bố trí các dây điện trong nhà xa khỏi tầm tay bé Sử dụng thiết bị ngắt điện khi hệ thống tiếp đất lỗi (GFCI) cho những ổ cắm trong phòng tắm, nhà bếp và sân vườn. Những thiết bị này sẽ giúp phòng ngừa sốc điện ở những khu vực ấy. Một mẹo cho bố mẹ là hãy quan sát khắp phòng bằng góc nhìn của con – bố mẹ có thể trườn, bò để có tầm nhìn và tầm với giống như của bé, kiểm soát tối đa những thứ bé có thể nhìn thấy và chạm vào. Sơ cứu tai nạn là kỹ năng vô cùng quan trọng mà bố mẹ nào cũng cần học để kịp thời hành động khi sự cố xảy đến với con mình. Trong nhiều trường hợp việc sơ cứu có thể giành lại sự sống cho bé yêu, khi bác sĩ và xe cấp cứu có thể đến quá muộn. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho bố mẹ trong việc giữ an toàn cho bé, phòng tránh và giảm thiểu tối đa tổn thương do những tai nạn về điện có thể xảy ra.