Khi chơi "Ú òa" với bé cưng hàng ngày, mẹ có biết trò chơi vô cùng đơn giản và quen thuộc này lại mang đến những lợi ích tuyệt vời cho sự phát triển não bộ của con? Hãy để Mamibuy bật mí cho mẹ nhé! Từ khoảng 6 tuần tuổi trở đi, trẻ sơ sinh bắt đầu thức tỉnh lâu hơn sau mỗi giấc ngủ. Mami có thể bắt đầu trò chuyện và vui chơi nhiều hơn với bé, để tăng kết nối tình cảm và giúp con khám phá thế giới. “Ú òa” (hay “Peek-a-boo”) là một trong những trò chơi đơn giản mà lại bổ ích nhất cho con. Mẹ chỉ cần tranh thủ ít phút rảnh rỗi, chơi với con ở bất kỳ đâu bất kỳ thời điểm nào trong ngày khi bé đang tỉnh táo. Chơi “Ú òa” thường xuyên không chỉ luyện khả năng phán đoán, ghi nhớ tốt, mà còn tạo nền tảng tâm lý để con chuẩn bị cho quá trình rèn nếp độc lập trong “thời kỳ sợ xa mẹ” ở khoảng tháng tuổi thứ 8. Giới thiệu trò chơi “Ú òa” với bé sơ sinh: - Chuẩn bị một chiếc khăn vải vô mềm mỏng - Giơ khăn trước mặt bé, vẫy khăn vài lần, chạm nhẹ viền khăn vào mũi bé để tạo sự chú ý. - Che mặt bé bằng khăn, nói “Ú”, rồi ngay khi “Òa thì bỏ khăn ra để con thấy mẹ. - Sau vài lần chơi, tăng thời gian “Ú” (để khăn che mặt bé) lâu hơn một chút. - Mỗi ngày chơi “Ú òa” với bé vài lần, khoảng 2-3 phút thôi mẹ nhé. Khi con mới tập chơi, chỉ cần không nhìn thấy mặt mẹ 2-3 giây đã là thành công lớn rồi đấy mẹ ạ! Sau 3 tháng tuổi, bé đã nhận thức được nhiều hơn, thì trò chơi “Ú òa” có thể làm phức tạp lên và kéo dài thời gian hơn để tăng tính “thử thách” cho não bộ của bé. “Ú òa” giúp con nhận thức sự tồn tại của sự vật xung quanh: Hành động che mặt rồi mở ra có thể giúp bé nhận thức được sự hiện hữu của các sự vật. Hình ảnh của bé trước mắt “biến mất” rồi “xuất hiện” trở lại dạy bé rằng “À, mẹ chỉ biến mất trong chốc lát, rồi mẹ sẽ trở lại với mình.” Khi chờ mẹ “Òa”, con được rèn luyện tính kiên nhẫn và tự lập Khi con đã nhận ra rằng cha mẹ là những “sự vật” có thực, và tồn tại trong thế giới của con, thì sự tin cậy và kết nối tinh thần cũng dần hình thành. Con sẽ dần dần thấy an toàn và được bảo vệ khi biết rằng mẹ luôn ở bên con, trở lại với con, dù thi thoảng mẹ có “biến mất” khỏi tầm mắt. Đồng thời tính tự lập cũng sẽ khởi đầu từ đây. Lúc không nhìn thấy mẹ, con vẫn có thể ở một mình được, con sẽ không cảm thấy lo sợ bất an. Não bộ của con sẽ được làm quen với cơ chế chờ đợi, kiên nhẫn. Con sẽ biết chờ đến khi mẹ mở khăn hoặc bỏ tay che mặt ra. Từ nền tảng cơ bàn này, dần dần con sẽ biết chờ và biết chơi tự lập trong khoảng thời gian dài hơn, tình huống phức tạp hơn, như là khi mẹ vào nhà tắm, mẹ nấu cơm, hay mẹ phải đi làm. Não bộ tập ghi nhớ thông tin và phán đoán việc sắp xảy ra Một cách tự nhiên và hiệu quả nhất, não của trẻ sơ sinh sẵn sàng học hỏi và phát triển siêu tốc. Chỉ với những trò chơi đơn giản như “Ú òa” thôi cũng góp phần kích thích con trở nên thông minh nhanh nhạy. Khi cùng con “Ú òa”, mẹ đang giúp con rèn luyện khả năng ghi nhớ thông tin đấy! “Mẹ sẽ hiện ra vào lúc nào, ở phía nào nhỉ, bên trái hay bên phải?” - Con sẽ tập trung phán đoán, ghi nhớ rằng sau bao lâu, từ vị trí nào thì mẹ sẽ “Òa”. Giúp con phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp Không phải tự nhiên mà con phản ứng với trò chơi “Ú òa” bằng ánh mắt, thái độ thích thú, hành động khua tay múa chân và tiếng cười đáng yêu đâu mẹ nhé. Đây chính là một bước phát triển cơ bản, thể hiện rằng con đang tiến bộ trong ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp, với những đối tượng đầu tiên ở thế giới bên ngoài chính là cha mẹ. “Ú òa” có thể được coi như một trong các hoạt động đầu tiên trong đời góp phần vào kỹ năng học nói của bé sơ sinh. Chính vì thế mà từ bao nhiêu năm nay, "Ú òa" vẫn là trò chơi đơn giản mà bổ ích truyền qua biết bao thế hệ mẹ con trên khắp thế giới. Nào cùng con "Ú òa" hàng ngày mami nhé!