Đây là tuần đầu tiên của chuỗi hành trình theo dõi thai nhi theo tuần. Nếu như mẹ đã có cái nhìn khách quan về các tam cá nguyệt trong thời gian 280 ngày mang thai. Tuy nhiên, mẹ sẽ còn bất ngờ hơn nữa khi biết cơ thể của mẹ thay đổi từng tuần khi mang trong mình hình hài của một thiên thần. Chúng ta cùng khởi động hành trình này với Phôi thai tuần thứ nhất. Phôi thai tuần đầu tiên phát triển như thế nào? Thực tế ở tuần đầu tiên, phôi thai hoàn toàn chẳng khác gì những tuần khác khi mẹ chưa có kế hoạch mang thai. Em bé của mẹ hình thành sau vài tuần nữa cơ, mẹ kiên nhẫn chờ bé nhé! Mỗi khi mẹ đến tháng là cơ thể mẹ đang chuẩn bị, lên dây cót sẵn sàng cho việc thụ thai và mang thai. Sự thay đổi về các hormone trong cơ thể mẹ diễn ra để hỗ trợ cho việc thụ tinh diễn ra trong khoảng tầm 2 tuần. Đây cũng chính là lí do tại sao chúng ta sử dụng ngày đầu tiên của chu kì kinh cuối cùng trong việc tính toán dự kiến sinh của bé. Thời gian 2 tuần này thường khớp với các mẹ có chu kì kinh khoảng 28 ngày. Đối với các mẹ có chu kì ngắn hoặc dài hơn, thời gian này sẽ có thể xê xích đi chút ít. Mẹ hãy cầm bút đánh dấu lên lịch hoặc sử dụng các ứng dụng trên điện thoại để đánh dấu lại ngày đầu chu kì kinh của mẹ nhé. Việc này sẽ hỗ trợ đáng kể cho mẹ khi lên kế hoạch thụ thai cũng như tăng xác suất đậu thai cho mẹ đấy! Bao giờ rụng trứng? Việc rụng trứng với các mẹ có chu kì kinh đều đặn khá dễ tính toán. Thông thường sau khoảng 12-14 ngày từ ngày kinh đầu tiên, trứng sẽ rụng. Để tăng khả năng thụ thai, mẹ nên quan hệ trùng hoặc trước ngày rụng trứng nhé! Với các mẹ có chu kì không được đều cho lắm, mẹ có thể sử dụng que thử rụng trứng để giúp mẹ nhận biết những ngày đặc biệt này. Quá trình thụ thai Việc thụ thai là một điều kì diệu nhưng lại chẳng hề thể hiện rõ ràng ra bên ngoài. Hành trình này bắt đầu từ khi trứng tác ra khỏi buồng trứng rồi di chuyển đến ống dẫn trứng trong khoảng 12-24 giờ. Tại đây, trứng và tinh trùng sẽ “hẹn hò” với nhau và thụ tinh. Dù “các anh chàng” tinh trùng rất đông đúc, lại còn “dai sức sống lâu” nhưng chỉ “anh” nào thực sự khỏe mạnh, nhanh nhẹn mới tìm được đến với “em” trứng. Một số mẹ sẽ chảy máu tại thời điểm trứng thụ tinh làm tổ trên thành tử cung. Máu này thường được gọi là máu báo. Tuần này, mẹ nên làm gì? - Theo dõi, đánh dấu lại các ngày kinh của mẹ. Việc này giúp mẹ tính được thời gian dễ thụ thai - Dừng sử dụng các biện pháp tránh thai một thời gian vì thuốc tránh thai tác động lên nội tiết tố cơ thể mẹ - Uống các loại vitamin bổ sung, đặc biệt là acid folic để giảm nguy cơ khuyết tật dây thần kinh của thai nhi - Tập thể dục đều đặn, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý - Bỏ các thói quen xấu như sử dụng thuốc lá, chất kích thích … - Tiêm phòng đầy đủ trước khi có ý định mang thai Tuần này, phôi thai thay đổi ra sao? Tuần này phôi thai vẫn y xì như vậy thôi mẹ nhé, vài tuần nữa thì thai nhi mới hình thành cơ. Giờ là khoảng thời gian dành cho mẹ để lên kế hoạch cho giai đoạn mang thai sắp tới. Mẹ xem tiếp xem Phôi thai tuần thứ 2 có điều gì thú vị không nào!