Thành phần: Tháng thứ 5 và 6 (nếu bé bắt đầu tập ăn theo lộ trình thông thường) chính là quá trình bé tập đưa vào cơ thể lần lượt (lưu ý: lần lượt) từng loại chất, mà bắt đầu bằng tinh bột dễ tiêu hoá, không gia vị. Sau một thời gian ăn bột loãng, từ tháng 6 trở đi, mẹ có thể cho bé làm quen với các chất khác: thêm một ít chất béo (dầu oliu hoặc phô mai chẳng hạn), một ít đạm (bột rau củ có thêm cá/ thịt/ gan/...). Tuy nhiên, vẫn nên cho bé làm quen từng chất một, và hạn chế các vị mạnh và mùi khó ăn. Các loại thức ăn cho bé từ tháng thứ 7 vì vậy cũng có thêm các nhóm chất khác, và cũng nhờ vậy mà đa dạng hơn. Một số thức ăn phổ biến theo nhóm chất: >> Chất đạm: ruốc cá hồi xay mịn, trứng cá tuyết, phô mai, thịt cá trắng, thịt xay nhuyễn,... >> Chất béo: dầu oliu, dầu mè, phô mai,... >> Rau củ: bé ăn được nhiều loại rau củ hơn Một số loại sốt và súp có kết hợp cả 3 nhóm chất này (bổ sung đạm - béo - rau củ) cho bé. LƯU Ý: Tại tháng thứ 7 bé vẫn chưa nên ăn các loại gia vị. Mẹ vẫn nên sử dụng vị ngọt mặn tự nhiên của thịt cá rau củ quả để chế biến. Ngoài ra, nước dashi hay miso có thể giúp ích nhiều cho Mẹ vì đây là các loại có độ mặn tự nhiên từ ninh hầm hoặc ủ các thành phần tự nhiên. Thể loại: Từ tháng 7, bé đã có thể ăn được bột sệt và có tí lợn cợn. Tức là món ăn của bé đã đa dạng hơn, không chỉ có mỗi bột loãng mẹ ạ. Việc tập cho bé ăn thô dần, tăng độ lợn cợn dần là việc NÊN làm, chứ không phải cứ nghiền mịn xay nát hoài là tốt đâu nhé (vì sẽ làm chậm lộ trình học nhai nghiền thức ăn của bé --> bé chậm biết ăn đúng cách). Đó là lý do tại sao chế độ ăn dặm tại Nhật bắt đầu có nhiều thể loại như mì, nui, ruốc cá xé mịn nhỏ, sốt sệt lợn cợn, cháo và súp tươi với rau củ cắt nhỏ cho lứa tuổi này. Mẹ có thể: >> Dùng bột cháo số 7 với độ lợn cợn nhiều hơn, pha sệt hơn. Hoặc tự nấu cháo với độ loãng ít hơn. >> Dùng các loại mì, nui tách muối nấu chín và tán nhuyễn bằng thìa (thay vì xay mịn) để tạo độ thô vừa phải cho bé. >> Tận dụng các loại sốt sệt, súp, thức ăn bổ sung đạm để kết hợp tạo nên mùi vị và hương thơm kích thích sự yêu thích ăn uống của bé. Ở tháng 6, 7, bé cũng đã có thể tập cầm nắm thức ăn (dù vẫn tung toé nhưng chả sao cả). Mẹ có thể cho bé làm quen với các loại thức ăn bổ sung như: pudding tráng miệng, váng sữa, phô mai, bánh ăn dặm,... Các loại thức ăn này có tác động đến sự yêu thích, vui vẻ của bé, đồng thời còn giúp bé luyện tập động tác nhai và cắn thức ăn bằng nướu (chưa răng cũng được) và tự chủ (cầm nắm, giữ, chọn, đẩy,...) với thức ăn của mình. Thế nên, Mẹ hãy nhớ cập nhật menu ăn uống cho bé 7 tháng của mình nhé. Không phải chỉ tăng mỗi lượng ăn và mãi mãi ăn mịn uống loãng là tốt đâu Mẹ nhé!