“À ơi con ngủ cho ngoan…” – những câu hát ru thân thương của mẹ, của bà đã đưa biết bao thế hệ trẻ em vào giấc ngủ êm đềm. Và mặc dù cuộc sống ngày một hiện đại với nhiều thay đổi thế nào đi nữa, thì câu hát ru đâu đó vẫn vang lên như một bản năng của người mẹ mỗi khi bé cần được trấn an tinh thần. Ngày nay chỉ cần một chiếc điện thoại nối mạng là phụ huynh có thể bật cho con cả ngàn bài hát đủ thể loại, ngôn ngữ… Thế nhưng chắc chắn với tất cả các em bé sơ sinh, khi khó chịu, bất an và cần được xoa dịu nhất, thì không gì bằng được chất giọng của mẹ - âm thanh đã quen thuộc với bé từ khi chưa chào đời. Mẹ cùng tìm hiểu những lợi ích kỳ diệu của hát ru với các giai đoạn phát triển khác nhau của bé nhé. Nuôi dưỡng trí tuệ và tâm hồn con từ trong bụng mẹ Hát ru con là một trong những phương pháp thai giáo lâu đời và hiệu quả nhất. Từ khoảng tuần thai thứ 16 trở đi, thính giác và khả năng cảm nhận âm thanh của bé đã nhanh chóng hình thành. Khi mẹ bầu hát ru hay trò chuyện cùng con, bé hoàn toàn có thể nghe được và ghi nhớ giọng của mẹ. Khi mẹ thả hồn vào câu hát, bé cũng sẽ có sự đồng cảm và kết nối tinh thần. Hát ru cho con sẽ kích thích phát triển não bộ và thính lực, để sau khi ra đời bé sẽ thông minh và cảm thụ tốt hơn với âm thanh, âm nhạc. Gắn kết tình cảm và phát tín hiệu “giờ đi ngủ” với bé sơ sinh Đối với bé sơ sinh, thói quen hát ru cho bé chính là một hoạt động hữu ích - thư giãn cho mẹ, nuôi dưỡng trí thông minh cảm xúc cho bé. Mặc dù ngày nay rất nhiều mẹ đã được tiếp cận với các phương pháp nuôi dạy con hiện đại, rèn con vào các nếp sinh hoạt giúp mẹ đỡ vất vả hơn. Với một số cách luyện ngủ, con học được cách tự ngủ ngon mà không cần mẹ phải bế ẵm đến rã rời cánh tay hay ru hời khản tiếng. Có thể nhiều bà mẹ trẻ sẽ cảm thấy việc hát ru con là không còn cần thiết nữa. Thế nhưng các chuyên gia vẫn khuyên mẹ rằng, dù không còn cần như biện pháp để dỗ con nín khóc, dỗ con ngủ, thì mẹ vẫn nên hát ru cho con – như là một phần của chuỗi hoạt động trước khi đi ngủ (bên cạnh các việc khác như tắm rửa, mát xa, đọc sách hay ăn sữa…). Từ 10 đến 30 phút trước giấc ngủ tối, mẹ có thể không cần bế mà chỉ đặt con trên giường, mát xa tay chân nhẹ nhàng hoặc xoa lưng, vỗ mông… rồi hát cho con nghe. Việc này tạo ra tín hiệu là đã đến giờ đi ngủ, con sẽ được chuyển từ trạng thái “động” sang “tĩnh”, giúp giấc ngủ đến dễ dàng hơn và chất lượng hơn. Xoa dịu tâm trạng và trấn an tinh thần cho bé lớn Cả khi con đã đến tuổi đi học, bé có thể vẫn muốn sà vào lòng mẹ, cảm nhận hơi ấm và mùi hương thân thiết của mẹ, và muốn mẹ hát ru cho nghe. Ở độ tuổi này khả năng giao tiếp của bé đã rất tốt. Con cũng đã tự lập hơn rất nhiều. Nhưng hát ru không chỉ là để “ru ngủ”, mà còn là khoảng thời gian mẹ có thể dạy con hát, hoặc giải thích cho con về ca từ, kể cho con nghe sự tích nguồn gốc của điệu ru. Đây là những bài học mà con sẽ vô cùng thích thú, giúp con thu nhận thêm kiến thức, phát triển ngôn ngữ, và trau dồi năng khiếu âm nhạc nữa. Vậy nên mẹ hãy cứ chiều theo nhu cầu chính đáng này của con, duy trì thói quen hát ru cả khi con đã qua tuổi cần bế ẵm. Hãy cùng con ngâm nga những giai điệu nên thơ, êm đềm, tạo ra một “chốn bình an” trong tâm trí để sau này con có thể tìm về. Những ký ức ấu thơ văng vẳng điệu ru thân thương sẽ theo con đến suốt cuộc đời.