Khánh Chi bé bỏng của mẹ, con biết không trước lúc con chào đời, mẹ đã khóc cạn nước mắt nhiều lắm. Nhưng bên cạnh mẹ luôn có bà ngoại là liều thuốc tinh thần động viên mẹ cố gắng vượt qua, mạnh mẽ, vui vẻ hằng ngày. Tầm này năm ngoái đáng lẽ là ngày cưới của bố mẹ linh đình, vậy mà đùng cái anh họ mẹ mất, rồi ít thời gian sau đến cụ của con mất. Chuyện buồn cứ dồn dập đến, hai bên gia đình phải nói chuyện và đưa đến cái kết nhà gái sẽ không tổ chức cưới, chỉ tổ chức ở nhà trai. Sang năm nay mẹ lại tuổi kim lâu không cưới được. Hàng xóm, dân làng thì đồn ra đồn vào mẹ hám giàu, có bầu trước để lấy được bố con, vì gia cảnh ông bà ngoại khó khăn, thua hẳn với gia đình ông bà nội. Lúc đó mẹ chỉ biết khóc, khóc, và khóc. Chưa bao giờ mẹ thấy cuộc đời mẹ tăm tối, chán như vậy. May có bà ngoại luôn bên cạnh động viên, an ủi, khuyên mẹ cố gắng, mẹ mới mạnh mẽ được đến ngày hôm nay, bỏ ngoài tai tất cả. Đến ngày mẹ biết có con, bố mẹ vui một thì bà vui mười. Bà hỏi cả xóm nhà ai nuôi gà ta, hàng tuần bà lấy chục quả đem cho mẹ ăn. Ngày gần sinh con, bà đưa mẹ đi chợ, chọn mẹ đủ thứ cần thiết khi sinh cần. Dặn dò mẹ các dấu hiệu đau đẻ như thế nào. Ngày vui của cả nhà rồi cũng đến, đó là ngày con ra đời. Mẹ đau đẻ từ sáng sớm, 3h gọi bà, bà lóng ngóng rặn bình tĩnh, bà gọi taxi đến ngay đưa đi. Cũng may nhà chồng gần nhà đẻ bà đến mất có 5 phút gọi xe, vào viện bà là người luôn bên cạnh mẹ, dìu mẹ đi khám, đi vệ sinh. Lúc lên bàn đẻ, lâu ko ra, bà là người bồn chồn, đứng ngồi không yên. Đến nỗi chị bác sĩ đỡ đẻ cho mẹ phải bảo " Cố lên em, mẹ em đang lo cho em lắm, hỏi bọn chị tình hình em đó, bà lo em không đẻ được phải mổ, thấy mọi người vào sau mà ra hết rồi, sao em lâu vậy chưa ra ". Bà lúc nào cũng vậy, lo, chăm cho mẹ như một đứa trẻ vậy. Lần đầu tiên làm mẹ thật không đơn giản, mẹ bỡ ngỡ, vụng về, cũng may có bà ở bên chỉ bảo. Bà dạy mẹ từng cách bế con sao cho đúng, cho con bú sao để con không bị sặc, cách quấn tã con như thế nào... Ba ngày ở viện, bà dành hết việc của bà nội, vì bà nội đau đầu lại bị khớp, bà tấp ta tấp tưởi nào là dìu mẹ đi vệ sinh, đi thay quần áo. Rồi lại đi mua cơm cho mẹ ăn, đi mua nước nóng, đi giặt quần áo của mẹ và con, ôm con cho mẹ ăn, con đói bà pha sữa cho ăn, ru con ngủ. Mẹ chỉ mong nhanh hết mấy ngày ở viện, để bà đỡ vất vả hơn. Nhưng về nhà bà lại càng vất vả hơn, không nhàn như mẹ nghĩ. Ông bà nội bán quán bún ăn sáng với quán bia, nên bận rộn, luôn chân luôn tay từ sáng sớm, buổi tối là thời gian để ông bà được nghỉ ngơi. Nên bà và bố mẹ đều không muốn ông bà vất vả thêm với mẹ con mình. Mẹ con mình về nhà ngày đầu tiên, trưa nào bà cũng xuống tắm, giặt cho con, tối bà lại xuống ngủ cùng, đêm con khóc bà dậy pha sữa liên tục, ôm con suốt đêm cho mẹ được ngủ nhiều hơn. Đến ngày thứ 2, 3 bà vẫn đến ngủ và chăm con thay mẹ như vậy. Nhưng đến ngày thứ 4, đang ngủ 11h đêm bà phải đạp xe đạp về gấp, vì cậu con lại ốm, cậu bị tàn tật, ăn đâu nằm ấy từ khi mới sinh ra. Cậu phải vào Xanh Pôn điều trị bệnh dạ dày và viêm ruột thừa. Trước lúc về bà còn dặn đi dặn lại mẹ cố gắng ăn uống lấy sữa cho con bú, em khỏi bệnh bà lại đến ngủ cùng. Cố gắng chăm sóc con, đầy tháng rồi mẹ xin đón về nhà mình. Bà nội ốm, lại vất việc ở quán, bà ngủ, đỡ được ít nào thì đỡ, không có suy nghĩ nhiều mà ốm. Suốt ba ngày liền bà ở viện chăm mẹ con mình, ít ngủ, bà đã mệt, giờ lại vào viện chăm cậu, cuộc đời bà chỉ toàn dành lo cho con cái, không có nổi phút nghỉ ngơi cho riêng mình. Bao nhiêu vất vả, khổ cực bà gánh hết. Cậu nằm viện một tuần thì về, vì cậu yếu nên tối bà không lên ngủ với mẹ con mình được. Nhưng hằng ngày đều gần chục cuộc gọi hỏi thăm mẹ ăn được không, con có ngoan không, có nhiều sữa cho con bú không... Rồi con cũng đầy tháng, bà lên xin đón mẹ con mình lên ở đến gần tết, để tiện chăm sóc vì vướng cậu. Từ lúc đón đến hôm nay là tròn một tháng, bà ngày ngày đều dậy sớm 4h hết đi bán gấc chín, lại về nấu cám lợn, cho lợn, gà ăn. Rồi lại đâm đi nấu cơm cho ông, cậu và mẹ con mình ăn sáng. Bà dành hết việc nào là rửa mặt, vệ sinh cho con, con ăn no bà hát ru con ngủ, con ngủ bà lại ngồi bế cậu lúc là gần trưa. Trưa bà lại đâm nấu cơm trưa, nhá cho cậu ăn, mọi người như cái tuổi gần 50 như bà lẽ ra phải là nằm ngủ trưa, được nghỉ ngơi, nhưng bà thì hết dọn dẹp nhà cửa, bắc nồi cám lợn, đi hái gấc chín để sáng dậy bán rồi lại đi tắm cho cậu, để chiều con ngủ dậy còn tắm cho con. Con nhiều kê, sảy, bà đi lên tận trường học cách nhà 500m xin lá thanh táo về tắm cho con. Tắm xong bà lại hát ru con ngủ, bà sợ mẹ sau này hậu sản, yếu nên bà mua hết món này đến món khác nào là thịt bò, trứng gà ta, rau sạch, gà hầm về nấu cho mẹ ăn. Mẹ tranh quét cái nhà, vò bộ quần áo là bà mắng, nói mẹ từng đi qua cái cảnh con mọn động nước, làm việc nhà, sau này khổ lắm. Bây giờ mẹ khỏe, để tất đó mẹ làm được hết. Lo ăn nhiều, ngủ, nghỉ ngơi cho khỏe thôi. Tối đến cơm nước, lợn gà xong xuôi là thời gian mọi người quây quần nói chuyện, xem ti vi. Thì bà lại bận giặt đống quần áo của cả nhà, vì nhà ông bà ngoại không dùng máy giặt. Giặt xong lại bế cậu cho cậu ngủ say, bà lại bế con đỡ mẹ, hát ru cho con ngủ. Cả ngày của bà luôn chân luôn tay, vất vả vì con vì cháu, đến thời gian dành cho bản thân mình một tí cũng không có, nhìn bà mẹ chỉ muốn bật khóc, ứa nước mắt con ạ! Bà không có nhiều tiền, nhưng lúc nào đi chợ bán gấc về bà cũng mua nào sữa, hoa quả cho mẹ, thấy gió mùa về lại mua quần áo, mũ, tất cho con gái của mẹ. Con gái à, bà đã vất vả, lo toan cho mẹ con mình rất nhiều, rất nhiều. Cả cuộc đời bà đánh đổi tất cả tình yêu thương cho con, cho cháu. Bà gánh hết mọi khó khăn, khổ cực trên vai, con phải thật ngoan ngoan, nghe lời bà, thương yêu bà con nhé! Mẹ viết những dòng này để sau này lớn lên con đọc được, con phải nhớ công ơn, tình thương của bà đối với mẹ con mình bao la thế nào, có bà mới có mẹ khôn lớn, trưởng thành, và có con khỏe mạnh như ngày hôm nay. Cảm ơn cuộc đời, vì đã cho con là con của Mẹ! Cầu mong mẹ của bọn con sẽ thật khỏe mạnh, vui vẻ. Chúng con và cháu yêu mẹ rất nhiều! Cả cuộc đời mẹ đã vất vả, khổ cực rồi, bọn con sẽ không để mẹ phải khổ thêm nữa đâu.