Cùng sống trong một nhà và tiếp thu cùng một nền giáo dục, nhưng suy nghĩ và hành vi của con cả, con thứ hay con út thường khác biệt khá rõ rệt. Thứ tự sinh có thể tạo nên những đặc trưng trong tính cách trẻ - đó là lý thuyết mà nhà tâm lý học Alfred Adler đã công bố. Chính vì vậy, bố mẹ cũng nên tham khảo để nắm rõ những đặc điểm này, và áp dụng những cách ứng xử, dạy dỗ phù hợp cho các con Nuôi dạy con theo thứ tự sinh Sinh con đầu lòng, cha mẹ thường chưa có nhiều kinh nghiệm nên cách nuôi dạy con có thể còn mông lung, thiếu nhất quán. Tâm lý cha mẹ với con đầu cũng thường hay lo lắng, bất an hơn, nên lại tìm cách giám hộ thật nghiêm cẩn, thậm chí còn trở nên áp đặt. Với các con sinh sau, phụ huynh đã có kinh nghiệm rồi nên thoải mái, xuề xòa hơn. Thời gian và tâm huyết cũng bị chia cho nhiều con hơn nên cha mẹ cũng không còn soi xét hay lo lắng về những tiểu tiết nữa. Chính từ cách nuôi dạy khác nhau, cha mẹ đã vô tình góp phần tạo nên những đặc trưng tính cách của các con theo thứ tự sinh. Cụ thể như sau: Con cả - trách nhiệm và cầu toàn Bé lớn nhất trong nhà sẽ có năng lực định hướng, tinh thần trách nhiệm và tố chất lãnh đạo cao hơn hẳn các em. Bé phải chịu trách nhiệm với các em, biết chăm sóc em giúp cha mẹ, nên rất chủ động và giỏi ứng biến. Bé thường trở thành con ngoan trò giỏi do luôn chăm chỉ và nỗ lực làm vui lòng cha mẹ thầy cô. Nhận sự nghiêm khắc và kỳ vọng của người lớn, cùng áp lực trở thành tấm gương sáng cho các em, nên con cả thường rất cầu toàn. Theo nghiên cứu, đây cũng là đối tượng dễ bị căng thẳng, lo lắng, trầm cảm... Ngoài ra trẻ cũng dễ có cảm giác ghen tị và bất an khi cha mẹ ưu ái quan tâm các con bé hơn. Con thứ - hòa đồng và công minh Không có nhiều trách nhiệm và áp lực như con cả, cũng chẳng cần nhiều sự quan tâm chăm sóc như con út, nên con thứ là những đứa trẻ dễ thích nghi, biết điều chỉnh và hòa đồng. Bé có thể có kỹ năng giao tiếp tốt và biết kết nối mọi người. Điều này lại làm cho bé thích ở bên bạn bè hơn là cha mẹ, vì sự chú ý của cha mẹ thường đặt vào con cả hoặc con út nhiều hơn. Bé có tinh thần làm việc nhóm tốt, thân thiện và biết quan tâm giúp đỡ mọi người. Tuy vậy, con thứ lại dễ bị mất tự tin, ít tự trọng hơn so với anh chị. Và đôi khi con có cảm giác mình như "kẻ ngoài cuộc" hay "người thừa". Lý thuyết về thứ tự sinh khó áp dụng với con giữa, vì số lượng con giữa là rất đông, nên khó xác định đặc điểm tính cách. Con út - sáng tạo nhưng phụ thuộc Trong gia đình nhiều con, thì con út là đứa trẻ được tự do bay bổng nhất, và nhận được nhiều sự chăm sóc nhất của bố mẹ và các anh chị. Do vậy bé cũng liều lĩnh và sáng tạo hơn, thường có năng khiếu về thể thao hay nghệ thuật. Động lực chính của bé là "Cần làm tốt hơn để vượt qua cái bóng của các anh chị mình". Nhược điểm của con út lại thường là có khuynh hướng vô trách nhiệm và phụ thuộc vào gia đình. Đặc điểm này có thể khiến bé thiếu kiên trì và dễ bỏ cuộc, đến tuổi đi làm thì hay "nhảy việc" hơn. Con một - "trung tâm vũ trụ" Tự tin là đặc tính rõ rệt nhất của con một. Đa phần trẻ thoải mái khi ở một mình, vì vốn không có ai để trò chuyện và chơi chung từ ấu thơ. Và cũng cõ nghĩa là chẳng có ai để cạnh tranh hay noi theo. Được dồn hết tình yêu và sự chăm sóc của cả nhà, thậm chí là bị bảo bọc quá mức, nên ta thường thấy con một ích kỷ, phụ thuộc và tự cho mình là trung tâm vũ trụ. Thiếu kỹ năng đối thoại, chia sẻ, nên trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong làm việc nhóm hơn so với các bé có anh chị em. Thứ tự sinh và chỉ số IQ Vấn đề này vẫn còn gây nhiều tranh cãi và chưa đủ thông tin để kết luận là thứ tự sinh có liên hệ gì với chỉ số IQ không. Tuy nhiên một nghiên cứu lớn thực hiện tại Đức đã cho kết quả rằng những người có chỉ số IQ cao thường là con một hoặc con cả. Ngoài ra, không thấy mối tương quan giữa thứ tự sinh và sự sáng tạo, sự trưởng thành về cảm xúc hay tài năng. Điều chỉnh tính cách của con Cha mẹ có một vị trí quan trọng trong sự phát triển của con cái, thậm chí còn có thể là những người ảnh hưởng nhiều nhất đến tính cách của con. Cha mẹ hoàn toàn có thể giúp con điều chỉnh tư duy và cách ứng xử cho hợp lý, tránh được những nhược điểm đặc trưng do thứ tự sinh tạo nên. + Hãy hiểu con, hiểu rõ vị trí, vai trò của con trong gia đình, để có thể hỗ trợ con tốt hơn. + Hãy nhận biết các thay đổi cảm xúc của con, và nguyên do của chúng. Xác định tâm trạng và những biến động mà con phải đối mặt, ví dụ như con giữa có thể đang thất vọng vì ít dược chú ý quan tâm, trong khi con út lại tức giận vì luôn bị đối xử như một đứa trẻ. + Hãy bày tỏ: nói với con cả rằng cha mẹ yêu con bất kể con là ai, thành tích con thế nào, đừng gánh vác mọi thứ một cách quá căng thẳng. Hãy thể hiện sự chăm sóc yêu thương của bạn với con thứ nhiều hơn. Và hãy phân công cho con út một số trách nhiệm, và tìm cách khiến trẻ bớt ỷ lại. Hy vọng bài viết sẽ là những thông tin tham khảo thú vị và hữu ích, để giúp bố mẹ nhận biết và điều chỉnh cách nuôi dạy các thiên thần nhỏ của mình một cách đúng đắn nhất.