Phần trước mẹ Mika đã nói về việc làm hồ sơ sinh ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương - Viện C, phần này, mẹ cháu sẽ tập trung nói về việc đi đẻ tại C như thế nào ạ. Thật ra, mẹ Mika đẻ dễ quá nên câu chuyện đi đẻ cũng rất nhẹ nhàng. Cũng hi vọng là nhiều nhiều mẹ đọc xong thấy bớt lo lắng, thoải mái để đi đẻ. Mẹ Mika đi khám thai định kì thì phát hiện ra cổ tử cung đã mở 3 cm nên bác sĩ theo dõi thai của mẹ cháu ghi luôn vào sổ là chuyển sinh cấp cứu. Việc được ghi là “sinh cấp cứu” lợi ra sao, mẹ cháu sẽ kể ở dưới ạ. Sau khi tắm rửa, ăn uống xong, bà ngoại đưa mẹ Mika vào viện bằng taxi, còn bố Mika đi xe máy đề phòng có vấn đề phát sinh sẽ di chuyển cho cơ động. Đi sinh cấp cứu, mẹ cứ nói taxi đi thẳng vào bên trong bệnh viện, cổng Tràng Thi nhé. Khi vào viện, bố Mika đóng đặt cọc 3 triệu trước, số tiền này sẽ được khấu trừ và hoàn lại nếu dư sau khi sinh. Mẹ Mika vào phòng khám cấp cứu đã mở 6cm, được chuyển thẳng phòng đẻ. Các mẹ lưu ý là khi đi đẻ ở C, sẽ chỉ có mình mẹ vào đi đẻ thôi ạ, không có tiết mục bố vào cùng “nắm tay nắm chân” hay là bố cắt rốn cho bé đâu ạ. Mẹ chuẩn bị trước tinh thần để đi đẻ “độc lập” mẹ nhé! Vào phòng đẻ rồi, mẹ Mika đã mở hẳn 9cm và không thấy có cơn co mấy (thế nên từ lúc mẹ cháu mở 2 cm đến khi mở 9cm chỉ thấy tức bụng chứ không đau mấy). Chính vì thế, mẹ cháu không chọn gây tê màng cứng vì nghĩ đủ sức chịu đựng. Mẹ nào cảm thấy không chịu được đau, có thể gây tê màng cứng để giữ sức rặn đẻ. Chi phí hình như khoảng 1,5-2 triệu cho mũi tiêm này. Do cơn có ít, mẹ Mika được chọc ối và tiêm kích sinh để hỗ trợ việc đẻ thường. Do có tập yoga bầu từ tuần 20 của thai kì, mẹ cháu cũng biết cách thở và rặn đúng như bác sĩ hướng dẫn. Cháu ra đời sau khi mẹ cháu rặn lần đầu tiên khoảng 10 phút. Tuy khi đẻ, mẹ cháu không đau mấy nhưng cảm giác khâu tầng sinh môn khá là khó chịu. Mẹ cháu kêu đau oai oái nên được tiêm thuốc tê tại chỗ. Sau này, đi khám lại lúc Mika 1 tháng, bác sĩ Thủy cứ khen vết khâu của mẹ cháu đẹp hehe. Vậy nên tin tưởng vào tay nghề bác sĩ ở C không sai tí nào ạ. Sau khi đẻ xong, về phòng sau sinh là gần nửa đêm, bà và bố Mika có trao đổi với bác sĩ về việc chuyển mẹ cháu sang phòng dịch vụ. Tuy nhiên, vì phải chờ phòng, đến trưa hôm sau, mẹ cháu mới lên phòng dịch vụ. Phòng dịch vụ có 3 loại là 3 giường (1,2 triệu/ đêm), 6 giường (1 triệu/ đêm) và 8 giường (600 nghìn/ đêm). Mẹ Mika đăng kí phòng 3 giường nhưng hết chỗ, còn mỗi phòng 8 giường nhưng thật ra ở cũng không vấn đề gì các mẹ ạ. Phòng có nhà vệ sinh sạch sẽ, lao công lau dọn 2 lần một ngày. Về chế độ chăm sóc, gia đình chủ động trong việc ăn uống của sản phụ. Còn sáng, y tá sẽ vào vệ sinh cho mẹ, đo nhiệt độ của mẹ. Khoảng 8h-9h, các cô sẽ đưa các bé đi tắm. Mẹ chuẩn bị sẵn quần áo, bỉm … (nếu mẹ không có người nhà hỗ trợ, các cô còn vào tận nơi, bế bé ra xe tắm hộ cơ ạ). Theo lịch bác sĩ sẽ đi khám, kiểm tra xem sản dịch của mẹ cũng như sức khỏe mẹ có vấn đề gì bất thường không. Về các vấn đề liên quan đến bé: Mika được tiêm viêm gan B ngay sau khi sinh (mẹ nhớ giữ lại phiếu tiêm để sau này lưu lại trong sổ tiêm chủng cho con), làm xét nghiệm máu gót chân ( theo nguyện vọng gia đình, lấy máu trong vòng 36 – 48 tiếng sau sinh). Nếu mẹ sinh thường và không có vấn đề gì về sức khỏe, mẹ có thể ra viện trong vòng 24 giờ. Khi ra viện, mẹ cần bàn giao lại quần áo bệnh viện phát khi vào sinh, chăn quấn em bé, còn mũ, áo sơ sinh và tã chéo dùng trong viện, mẹ có thể mang về làm kỉ niệm. Bảo vệ sẽ kiểm tra tag tên trên tay của mẹ và chân của em bé để đảm bảo mẹ không bế nhầm em bé nhà khác về nhà hêhe. Chi phí: Do mẹ Mika được ghi vào sổ khám là đẻ cấp cứu nên mẹ cháu được BHYT thanh toàn 80% viện phí, không bao gồm tiền phòng dịch vụ, xét nghiệm máu gót chân. Gia đình cháu bồi dưỡng thêm cho ekip 3 triệu. Vậy là tất cả việc đi đẻ của nhà Mika hết không đến 5 triệu bao gồm cả tiền taxi cũng như mua thuốc theo đơn bệnh viện cho về nhà sau khi sinh. Với mức chi phí và chất lượng như thế này, mẹ Mika vẫn tin tưởng chọn viện C nếu như có em bé nữa trong thời gian tới ạ. Mong là những chia sẻ này sẽ giúp các mẹ thêm lựa chọn nơi sinh cho con được phù hợp với kinh tế gia đình cũng như đảm bảo an toàn sức khỏe cho mẹ và bé.