Khi nuôi con, nhiều bố mẹ hẳn sẽ rất khó chịu khi con quấy khóc, ương bướng, và khi con đã chọc cho cơn tức giận của bạn bùng nổ, thì bạn sẽ đối phó với vấn đề này ra sao? Khi trẻ nhìn thấy gương mặt nóng giận của bạn thì làm sao trẻ hiểu được rằng vì con sai mà bạn mới ra tay phạt con? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ về phương pháp dạy con không đòn roi tuy nhẹ nhàng nhưng hiệu quả dài lâu. Trẻ con thích quậy phá là lẽ đương nhiên, nhưng khi con đã vượt quá mức giới hạn cho phép của bạn, thì việc kiềm chế cảm xúc tức giận để dạy con đúng cách là vô cùng cần thiết. Tai hại của việc dạy con bằng đòn roi Có thể nhiều người cho rằng khi mình đánh con và kèm theo những câu như: “Sau này còn dám tái phạm nữa hay không?” là một cách hữu dụng cho con nhớ đời. Nhưng thực tế lúc đó con chỉ tập trung vào việc sợ hãi và cảm giác đau đã khiến trẻ quên mất mình vừa phạm lỗi lầm gì mà thôi. Có nhiều trường hợp, trẻ càng bị đánh thì càng lì lợm hơn, và như thế những trận đòn roi sau này trở nên vô hiệu hóa. Thế thì bạn cũng chẳng thể cứ tiếp tục đánh đến khi con chịu chừa mới thôi, đúng không ạ? Khiến cho con trải nghiệm hậu quả của việc phạm lỗi Nhiều cha mẹ than phiền rằng: “Tôi đã nhắc nhở con không được như vậy biết bao nhiêu lần rồi, nhưng chúng vẫn không chịu nghe”. Việc khiến con khắc ghi lời răn dạy không gì khác hơn là để con tự đối mặt với những hậu quả mà mình đã gây ra. Chẳng hạn khi con hay vứt muỗng nĩa và thức ăn lung tung ra khắp nhà, bạn yêu cầu con nhặt lại ngay những thứ vừa vứt đi. Như vậy bạn sẽ giáo dục được con một điều là: “Những gì do mình làm rơi thì phải do chính mình nhặt lại”. Khi con tự thực hiện được việc đó thì con sẽ nhớ mãi mà không phạm lỗi cho lần sau nữa, điều này sẽ hiệu quả hơn so với việc bạn cứ nói đi nói lại mãi là không được phạm lỗi trong khi người dọn dẹp những sai phạm đó lại là bạn. Áp dụng cách phạt con nhanh và không kéo dài thời gian phạt Khi bạn phát hiện con sai thì phải yêu cầu con sửa lại ngay, nhưng nếu con không nghe theo thì sẽ dùng hình phạt thay thế để con lựa chọn. Ví dụ như con xé rách quyển sách của bạn, thì bạn sẽ yêu cầu con dán lại ngay hoặc xin lỗi. Nếu con không chịu làm theo thì bạn sẽ đưa ra lựa chọn khác, ví dụ như phạt con cuối tuần không được đi công viên chơi. Hình phạt sẽ khiến con hiểu ra mức độ nghiêm trọng trong sai phạm của mình. Nếu bạn đánh con ngay khi con vừa phạm lỗi, thì con sẽ chỉ nhớ lấy biểu cảm nóng giận của bạn, lần sau con sẽ để ý sắc mặt của bạn mà bắt đầu thử xem giới hạn của việc phạm lỗi có thể đi tới đâu, ví dụ những lỗi nhỏ bạn không nổi giận thì con cứ vô tư phạm lỗi mãi cho tới khi bạn thực sự chịu không nổi mà ra tay phạt con. Thông thường trẻ con từ 2 tuổi trở lên đã bắt đầu biết quan sát biểu cảm gương mặt của người lớn để đoán tâm trạng và cảm xúc của họ. Tránh đe dọa con khi con phạm lỗi Đối với tâm hồn non nớt của trẻ thơ, việc bị đe dọa sau khi phạm sai lầm thường không thể giúp trẻ nhận ra vấn đề ở đâu. Đôi khi hành động đe dọa của cha mẹ lại khiến con cảm thấy mình không được cha mẹ yêu thương nữa, và cách này hoàn toàn phản tác dụng. Khi bạn giúp con đối mặt với vấn đề, giải thích cho con hiểu và phân tích đúng sai thì con sẽ nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện hơn và sẽ không sễ dàng tái phạm. Trong trường hợp con quấy khóc thì bạn nên dỗ cho con nín trước rồi mới từ từ giảng giải vấn đề cho con. Trẻ con sẽ dễ bị ám ảnh bởi những lời đe dọa đáng sợ, như thế sẽ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của con sau này. Việc dạy dỗ con chưa bao giờ là dễ dàng với bố mẹ! Nhưng để con ngoan ngoãn nên người, thì chúng ta phải kiên nhẫn và đầu tư thêm công sức để uốn nắn cho con. Mỗi một lần con sai thì đều là một cơ hội cho các bố mẹ thử sức truyền đạt những thông tin đúng đắn để chấn chỉnh lại cho sai lầm con đã phạm. Đòn roi chỉ có thể răn đe nhất thời nhưng không có tầm ảnh hưởng dài lâu, hy vọng các ông bố bà mẹ sẽ tìm ra được giải pháp lý tưởng để dạy con nhé!