Để phát triển hệ xương, răng chắc khoẻ và duy trì hệ miễn dịch ổn định cho các bé sơ sinh thì việc bổ sung vitamin D đóng vai trò hết sức quan trọng. Mẹ nuôi con nhỏ cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản trước khi quyết định bổ sung vitamin D cho trẻ, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh trong giai đoạn đầu đời dưới chỉ định của bác sỹ để giảm nguy cơ bé bị thiếu hụt vitamin D, dẫn đến thấp còi, nhẹ cân và dễ mắc các bệnh nguy hiểm khác. Dấu hiệu thiếu hụt vitamin D Một số dấu hiệu thường thấy của việc thiếu Vitamin D ở trẻ sơ sinh. Cha mẹ có thể tham khảo những dấu hiệu này để đưa con đi khám kịp thời: - Còi xương: Đây là dấu hiệu phổ biến nhất của hiện tượng thiếu vitamin D. Tuy nhiên, một số trẻ béo phì cũng có thể thiếu vitamin D, hiện tượng này được gọi là còi xương thể bụ bẫm. - Xương biến dạng: Chân vòng kiềng, kém vận động và nhìn trẻ yếu ớt, da xanh… - Thóp rộng - Trẻ bú kém, thường xuyên bị táo bón - Một số dấu hiệu thiếu vitamin D nặng, xương của trẻ có thể bị dị hình như chuỗi hạt sườn, chân tay biến dạng… Nguyên nhân trẻ bị thiếu vitamin D - Với tâm lý ở cữ sau sinh, nhiều bậc phụ huynh cũng như ông bà cho rằng bé sẽ khoẻ mạnh hơn nếu ít tiếp xúc nơi ít nắng, ít gió, ủ ấm nhiều nên một số trẻ hầu như không nhận được vitamin D từ việc tắm nắng. - Các bé sống ở nơi ít ánh nắng, thời tiết thường xuyên âm u - Trẻ sinh non không đủ tháng, khả năng hấp thu chất kém - Những em bé có làn da ngăm đen cũng có khả năng hấp thu ánh nắng kém và hấp thu vitamin D ít hơn những em bé da trắng hồng hào. - Trẻ mắc các bệnh về gan, thận, trẻ đang sử dụng một số thuốc như thuốc động kinh (phenobarbital, phenytoin), kháng viêm corticosteroid (prednison, prednisolon) vì chúng làm mất, cản trở tác dụng của vitamin D. Xem thêm bài liên quan: Bổ sung vitamin D cho trẻ thế nào là đúng liều lượng và phù hợp với từng độ tuổi, từng trường hợp trẻ nhỏ! Việc bổ sung vitamin D đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của trẻ Theo các khuyến nghị về vitamin D thì trẻ sơ sinh cần được bổ sung liều lượng tối thiểu là 200-400UI/ ngày hoặc dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa nhi. Khác với vitamin D2 được bổ sung thông qua thực phẩm tự nhiên, vitamin D3 được tạo ra khi da của trẻ được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Trẻ tiếp xúc với ánh nắng sớm thường xuyên sẽ có hệ miễn dịch tốt hơn Bổ sung vitamin D cho trẻ sơ sinh như thế nào là hợp lý ? 1/ Tắm nắng 80% vitamin D được tổng hợp ở da dưới tác dụng của tia cực tím tiếp xúc trực tiếp lên da. 20% vitamin D còn lại có từ sữa mẹ và thức ăn. Sau khi sinh 7-10 ngày, mẹ đã có thể cho bé tắm nắng để bổ sung lượng vitamin D3 cần thiết. Vào mùa hè, bé có thể nhận đủ vitamin D nếu được tắm nắng (tốt nhất vào buổi sáng, trước 8 giờ) khoảng 5-10 phút. Hãy để bàn tay, cánh tay, chân, bụng… của bé được tiếp xúc với ánh nắng. Vào mùa đông, thời gian tắm nắng của bé có thể lâu hơn một chút. Lạm dụng tắm nắng có thể khiến bé bị cháy da, thậm chí là ung thư da. Tránh không cho bé ra nắng từ 10g-15g. Vitamin D có thể hình thành do tắm nắng, nhưng sự hấp thu vitamin D cũng rất khác nhau tùy từng người. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào mùa hè hay mùa đông, vĩ độ của quốc gia, màu sắc da và diện tích da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, thời gian tiếp xúc, …Do đó, với điều kiện ở Việt Nam, các mẹ cho bé phơi nắng tăng dần cả về thời gian, lẫn diện tích da tiếp xúc và đặc biệt lưu ý khi mùa hè để hạn chế các tác dụng phụ khác trên da của em bé. 2/ Bổ sung qua đường thuốc uống Vẫn biết là vitamin D3 được tổng hợp nhờ tắm nắng, nhưng trong một số trường hợp vẫn nên bổ sung thêm vitamin D3 cho trẻ để đề phòng bệnh còi xương. Trên thị trường có rất nhiều loại vitamin D, dạng viên uống hoặc nhỏ giọt, với hàm lượng, xuất xứ từ các nước khác nhau. - Vitamin D với hàm lượng tối thiểu : 10 mcg (hay 400 UI) mỗi ngày cho các bé sơ sinh bú mẹ, bổ sung cho tới khi trẻ có chế độ ăn cung cấp đủ nhu cầu vitamin D. - Đối với các bé sơ sinh không thể tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời mỗi ngày (ở xứ lạnh nhiều sương mù), cần bổ sung vitamin D với lượng 800 UI/ngày. - Nếu bé bú loại sữa đã có bổ sung vitamin D thì không cần cho uống thêm vitamin D. Nếu một trẻ khỏe mạnh, có chế độ ăn uống hợp lý, được phơi nắng đầy đủ thì không cần bổ sung thêm vitamin D hằng ngày. Tuyệt đối để hạn chế những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe, mẹ không tuỳ tiện cho trẻ dùng loại không rõ nguồn gốc để tránh những tác dụng phụ không mong muốn. 3/ Bổ sung vitamin D từ nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng Trẻ vẫn được cung cấp một lượng vitamin D tương đối khi còn bú sữa mẹ, và người mẹ cần bổ sung đầy đủ các nguồn thực phẩm như thịt, cá thu, cá mòi, trứng, bơ, nấm, đậu, nước cam…Đồng thời mẹ nên tiếp tục uống vitamin, canxi và uống sữa sau khi sinh 1 tháng và bổ sung đủ chất trong suốt thời gian cho con bú. Cảnh báo nếu ngộ độc vitamin D khi sử dụng quá liều Trẻ có thể ngộ độc vitamin D nếu cha mẹ tự ý cho con uống vitamin D liều cao trong một thời gian dài mà không có chỉ dẫn của bác sĩ. Biểu hiện là trẻ chán ăn, sụt cân, tiểu nhiều, loạn nhịp tim. Nặng hơn, calci đọng ở mạch máu, tim, thận và làm vôi hóa những nơi này. Do đó trước khi cho trẻ uống bất cứ thuốc gì, kể cả thuốc bổ, phụ huynh cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc.