Thai nhi ở tuần thứ hai này được hiểu là giai đoạn làm tổ - nơi thai sẽ phát triển trong những tuần tiếp theo của thai kì. Tuần này, phôi thai phát triển được gọi là túi thai, di chuyển vào trong tử cung và làm tổ. Khi túi thai làm tổ trong tử cung, mẹ có thể thấy có một lượng máu nhỏ rò rỉ ra ngoài. Đây chính là “vệt máu” hay được dân gian gọi là “máu báo có thai”. Để giải thích cho hiện tượng này, các mẹ có thể hình dung như sau: thành tử cung trong tuần này căng lên, khi túi phôi gắn vào thành tử cung sẽ gây chảy máu nhẹ. Một số mẹ còn cho biết, mẹ cảm nhận được thời điểm diễn ra hiện tượng này. Tuần này, mẹ có gì khác? Với một số mẹ có vòng kinh ngắn, mẹ đã nhận diện được sự bất thường trong chu kì của mình khi đến ngày mà không thấy “chị nguyệt ghé thăm”. Cơ thể mẹ cũng có một số thay đổi mà nếu tinh ý, mẹ có thể nhận ra. Để biết mình có thai hay không, mẹ có thể thực hiện xét nghiệm nước tiểu hay xét nghiệm máu để xác định nồng độ hormone hCG. Để kiểm tra tại nhà, mẹ dùng que thử thai kiểm tra với nước tiểu vào sáng sớm khi nồng độ hCG là cao nhất. Còn việc thử máu cho kết quả rõ ràng hơn có thể được thực hiện vào bất cứ thời gian nào trong ngày. Các biểu hiện cơ thể thay đổi mẹ có thể nhận ra bao gồm: - Cảm giác như bị chuột rút (vọp bẻ), căng cứng ở vùng dưới xương chậu - Có cảm giác đầy hơi, trung tiện nhiều hơn bình thường - Xuất hiện dấu hiệu buồn nôn vào buổi sáng hoặc khi nghĩ đến/ ngửi thấy/ ăn một vài loại thực phẩm nào đó - Ngực cương lên, đầu vú có thể có cảm giác hơi nhức và nhạy cảm hơn - Số lần đi tiểu tăng lên nhưng lượng nước tiểu mỗi lần không nhiều do khối lượng máu và áp lực từ tử cung ép xuống bàng quang. - Xuất hiện máu báo Bên cạnh dấu hiệu về sức khỏe cơ thể, cảm xúc của mẹ cũng có sự biến đổi - Cảm giác hồi hộp, băn khoăn không biết mình đã có thai hay chưa - Nhạy cảm, dễ nổi nóng, tính khí thất thường hơn Tuần này, thai nhi thay đổi như thế nào? Em bé của mẹ hiện giờ đã có kích thước bằng một hạt giống bé xíu, gần như không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Trong tuần thứ 2 của thai nhi, các tế bào phân chia với tốc độ nhanh và hình thành các lớp tế bào chức năng riêng biệt. Lớp ngoài cùng sẽ phát triển thành da, mắt tóc, hệ thống thần kinh, não bộ … Lớp giữa phát triển thành xương sống, cơ, thận, các mô và hệ thống mạch máu. Lớp bên trong hình thành các cơ quan nội tạng khác của cơ thể. Mẹ nên làm gì? - Mẹ nên mua nhiều hơn 1 que thử thai vì vẫn có xác suất que thử thai bị hỏng, cho kết quả không chính xác. Nếu nghi ngờ có thai mà que vẫn chỉ hiện lên một vạch, mẹ có thể thử lại vào các buổi sáng tiếp theo. - Giữ gìn sức khỏe và tránh cho cơ thể bị tăng nhiệt quá lớn. Trong những tuần đầu của thai kì, nhiệt độ cơ thể mẹ tăng cao có thể đem lại rủi ro cho việc hình thành và phát triển của thai nhi. - Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Mời mẹ đọc bài viết tiếp theo về Thai nhi tuần 3 nhé!