Series bài Các phương pháp phòng tránh thai sẽ đem đến cho các mẹ các thông tin cụ thể nhất về từng cách phòng tránh thai. Từ đó, mẹ có thể lựa chọn biện pháp phù hợp với nhu cầu, điều kiện sức khỏe của mình. Trong bài viết này, Mamibuy Editor xin giới thiệu đến các mẹ phương pháp Đặt vòng tránh thai. 1. Vòng tránh thai là gì? Vòng tránh thai là dụng cụ hình chữ T được đặt vào trong buồng tử cung của phụ nữ nhằm ngăn chặn sự bám và làm tổ của trứng đã thụ tinh. Sau nhiều cải tiến, vòng tránh thai cũng có nhiều thay đổi. Hiện giờ, vòng tránh thai có 2 loại phổ biến là vòng tránh thai đồng và vòng tránh thai hormone. 2. Cơ chế hoạt động của vòng tránh thai Vòng tránh thai tạo môi trường không thuận lợi cho phôi hoặc ngăn cản phôi bám vào niêm mạc tử cung để làm tổ, hoặc có thể kết hợp cả hai yếu tố trên. Về bản chất, khi đưa vòng tránh thai vào buồng tử cung, phản ứng viêm được tạo ra do vòng tránh thai là vật thể lạ đối với cơ thể. Tại tử cung diễn ra các thay đổi về sinh hóa và tế bào nội mạc tử cung, song song với việc tạo tiết dịch nội mạc tử cung làm lượng prostaglandin tăng, cơ chế tiêu sợi tự huyết cũng ảnh hưởng. Tại nội mạc tử cung xuất hiện bạch cầu đa nhân, tế bào cầu đơn nhân, đại thực bào. Phản ứng gây viêm tạo điều kiện bất lợi cho trứng thụ tinh làm tổ. - Vòng tránh thai gắn đồng: Ion đồng được giải phóng ra hàng ngày tác động lên quá trình di chuyển của tinh trùng và góp phần làm thay đổi chất nhày âm đạo, ngăn cản sự hoạt động của tinh trùng. - Vòng tránh thai hormone: Hormone progestagen như Medroxy Progesteron Acetat hay Lenovorgestrel làm tăng độ đặc của chất nhày cổ tử cung, ngăn cản sự xâm nhập của tinh trùng. 3. Qui trình đặt vòng tránh thai Trước khi đặt vòng, nhân viên y tế sẽ đặt tay lên bụng bệnh nhân, tay còn lại dùng hai ngón chèn vào âm đạo để cảm nhận cơ quan vùng chậu. Tiếp đó, nhân viên y tế dùng mỏ vịt để giữ âm đạo mở. Bước tiếp theo, âm đạo được làm sạch để tránh nguy cơ nhiễm trùng. Vòng tránh thai được đặt vào cơ thể thông qua dụng cụ đặc biệt có dạng ống, đưa qua cổ tử cung đến tử cung rồi mở rộng thành hình chữ T. 4. Kiểm tra vị trí vòng tránh thai Mẹ rửa sạch tay, đặt ngón tay vào trong âm đạo đến khi cảm nhận được cổ tử cung. Nếu mẹ sờ được sợi dây ở cổ tử cung thì vòng đã được đặt ở vị trí thích hợp. 5. Thời điểm đặt vòng Thời điểm đặt vòng thích hợp nhất là ngay sau khi sạch kinh ngày thứ nhất và chưa có quan hệ tình dục. Lúc này, cổ tử cung hơi hé mở nên vòng đặt vào dễ dàng hơn và bệnh nhân cảm thấy ít đau, máu ra ít hơn sau khi đặt. Đối với mẹ sinh thường: Đặt vòng sau kì kinh đầu tiên hoặc sau sinh 6 tuần với điều kiện chưa có quan hệ tình dục trở lại. Đối với mẹ sinh mổ: Tối thiếu 3 tháng kể từ ngày sinh và sau khi có lại kì kinh đầu tiên. Đây là biện pháp không khuyến khích sử dụng với các mẹ sinh mổ nếu có thể áp dụng phương pháp tránh thai khác. 6. Đối tượng không nên đặt vòng - Người đang viêm nhiễm đường sinh dục, đặc biệt là viêm lộ tuyến cổ tử cung chưa điều trị dứt điểm - Người mắc bệnh lây qua đường tình dục - Người có tiền sử thai ngoài tử cung, có nghi ngờ bệnh lý ác tính đường sinh dục, rong kinh không rõ nguyên nhân, tử cung dị dang … - Người có bệnh lý van tim, sa sinh dục, mẫn cảm với chất liệu đồng 7. Ưu điểm của vòng tránh thai - Hiệu quả cao, ngay lập tức và kéo dài từ 3 đến 10 năm tùy loại vòng - Không làm giảm khoái cảm - Chi phí không cao, dễ thực hiện - Không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này 8. Nhược điểm của vòng tránh thai - Dễ gây viêm nhiễm do thay đổi sinh hóa và tế bào nội mạc tử cung, giảm đề kháng cơ quan sinh sản, vi khuẩn dễ xâm nhập - Rối loạn kinh nguyệt trong thời gian đầu đặt vòng - Có xác suất thai ngoài tử cung Đối với những mẹ ít có thời gian chăm sóc bản thân, hay quên uống thuốc hoặc không có điều kiện tiếp cận với các biện pháp tránh thai khác thì đặt vòng là sự lựa chọn hợp lý để thực hiện việc kế hoạch hóa gia đình. Mẹ có thể tìm hiểu thêm về biện pháp Cấy que tránh thai nữa nhé!